Kiềm chế cơn giận nơi công sở
http://dantri.com.vn/c133/s133-362770/kiem-che-con-gian-noi-cong-so.htm
Ngài Dalai Lama viết: “Khi con người tức giận, họ mất hết cảm giác hạnh phúc. Kể cả khi bình thường, họ xinh đẹp và an lạc. Lúc tức giận, khuôn mặt trở nên xám xịt và xấu xí. Cơn giận làm rối loạn sức khoẻ và làm nhiễu loạn tất cả.
Một tý lý do để nóng giận
Không phải một tỷ đâu, chỉ là một tý tôi. Thời nay, một tý đụng chạm thôi cũng đủ để người ta bực tức, cáu giận, xích mích nhau. Một tý ánh mắt lạnh lùng hoặc nhìn nhau một cách khinh miệt, còn nặng hơn ngàn câu nói. Câu nói đã ghê rồi. Các cụ chẳng dạy dỗ: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Chả phải các cụ bảo phải nịnh nhau, để quen nghe những chuyện không thật lòng, khi ai nói trái thì mặt mũi hầm hầm, tinh thần kháng chiến tưng bừng. Không phải vậy. Ý các cụ cao siêu, tế nhị, tinh tế hơn nhiều. Các cụ chỉ muốn dạy con cháu văn phòng chúng ta, dạy từ các sếp tới nhân viên, dạy từ ngồi ghế xoay bật lộn ngửa tới ghế cứng đơ hại lưng rằng: “Đằng nào thì chúng ta cũng là con người, sống và chết, làm hay không làm, nó cũng thế thôi. Có gì thì bảo ban nhau mà làm, cái gì cũng phải công tâm một chút. Mình hại người, người hại mình, mà người hại thì lại không bằng trời hại”... Ôi giời, nghe đến đây đã thấy toát hết cả mồ hôi mẹ đến mồ hôi con.
Người mới vô thì “hung hăng” – tinh lực chưa bị rút mà. Người cũ thì bình tĩnh hơn chút, mỉm cười mà ngắm các bạn mới tưng bừng sốt sắng làm việc. Giờ thì cũng bớt ma cũ bắt nạt ma mới rồi. Có khi còn ngược lại là đằng khác.
Có cô gái nổi tiếng hiền lành trong văn phòng, thấy nhân viên mới trông cũng nhanh nhẩu mồm miệng, liền nhiệt tâm nhiệt tình mà dạy cặn kẽ công việc. Cô kia hơn đúng chàng này có vài tuổi, nhưng thế hệ đi trước rõ là “tồ” hơn thế hệ đi sau. Chả biết anh kia hoạt động thế nào mà oách thế, thăng tiến vượt bậc, tương lai “xin” lại hết việc của cô đang làm. Vui chưa.
Và con đường để thăng tiến không có chữ thực lực bền bỉ ở đây. Anh thăng tiến bằng bất cứ mọi cách, gây ức chế cho cô chị đã từng tận tụy hết lòng với mình. Thủ đoạn anh thiếu chi, cao cấp lắm, không phải “thị lộ” ai cũng biết đâu. Cô gái kia thì sau này hơi ân hận vì ngây thơ tự hỏi: “Sao mình nhiệt tình giúp bạn bè thế mà vẫn bị chơi nhỉ?”. Cô bảo: “Người với người đúng là chỉ để hành nhau”. Cô cắn răng chịu những gì anh chàng kia gây ra, trong vô vàn xì-trét và căm tức, bởi cuộc sống, công việc của tôi đã bị khốn đốn chỉ bởi dăm ba chuyện vớ vẩn.
Cáu thì cũng chả làm được gì. Cô lên mạng viết lăng nhăng dăm ba cái status, than phiền vớ vẩn mấy câu trên Facebook, mặt lúc lạnh, lúc nóng bừng vì như bị sỉ nhục. Đấy, nhịn nó khổ thế đấy. Chả mấy chốc mà già người.
Nóng giận cũng phải có trình độ
Nói vậy thôi, chứ nóng giận cũng phải có trình độ đấy. Chả ai lại ứng xử như ngoài đường, ngoài chợ cả. Ai người ta nóng nảy bực bội đập ình ình cái bàn, mắt quắc lên nhìn nhau nảy lửa. Ai người ta thèm cáu bẳn “đá thúng, đụng nia”... Làm gì có chuyện ấy. Giờ nóng nảy nơi công sở nó cũng cao cấp hơn. Dù gì thì từng ấy con người tối thiểu cũng đã tốt nghiệp đại học, chưa kể một đống bằng cấp danh giá sáng láng bóng người, ăn mặc sang trọng, lịch thiệp hoặc cá tính nổi ầm ầm. Ai lại xử sự như người bình thường. Không. Không có được.
Một là anh nghênh ngang, quái thèm chấp nhặt, để ý những cái bé mọn nó cứ định nhảy xù ra làm cho anh nóng mắt, nóng tai, nóng... cả tay. Chuyện văn phòng, cũng có năm bảy đường. Đồng nghiệp tốt thì tốt, đôi khi tốt thì... không tốt. Chả biết đường nào mà lần. Họ có thể giả lả, đùa cợt, gọi tên anh, trêu anh, vui vẻ với anh, nhưng bên trong, để xét xem đã. Xem nếu anh cứ như một thằng tham tiền một cách đầu gối vẹt, nếu cái miệng anh cứ giả lả điêu thuyền cứ gọi là bằng cụ, thì cũng chả tránh được những câu thì thầm: “Ăn dầy, ăn tất, ăn cả đất!”, rồi thể loại “kính nhi viễn chi”, xa cái bạn có cái miệng xinh xinh hình giấu bé hơn (<) ra nhé, đề phòng không có cái miệng của bạn chọc thủng sự nghiệp đấy.
Cáu giận nơi công sở thời nay, được che đậy, được ghìm nén, được “vùi lấp” nhẫn nhịn nhiều đấy chứ. Sếp nhịn nhân viên, hay nhân viên nhịn sếp? Rập rà rập rình. Ông tưởng tìm người giỏi như tôi mà dễ à? Chả hiểu gì hết. Ơ cái đứa kia, về đây là để làm việc hay để võ miệng đây? Làm việc mà be bét như này à? Nhìn doanh thu đi, nhìn sự phát triển của công ty đi. Mấy tháng qua, có ích gì không? Làm ăn thế này à? Láo toét!
Đập gì bây giờ, hét to cái gì bây giờ nhỉ? Không có gì. Email nội bộ cứ là phang tới tấp cả vào ngày nghỉ.
Nhiều người đã thú nhận nhiều khi không thích và không muốn lẫn, không dám vào email nội bộ khi có chiến tranh vớ vẩn xảy ra. Ai cũng muốn làm việc trong môi trường tốt, ai cũng muốn được làm những việc mình thích. Nhưng ai có hiểu là làm được cả những việc mình không thích mới là trình cao không? Đi làm là như thế. Người ta có cáu giận căm tức, người ta có nóng nảy đến đâu, phừng phừng một hai đòi đuổi việc nhân viên, hoặc nhân viên đòi bỏ việc, cũng chỉ là giải pháp tức thời ngay lúc đó mà chưa nghĩ đến lâu dài. Cái anh còn trẻ bao giờ cũng ngông nghênh và không có sợ gì. Tuổi trẻ thì phải bay nhảy, không làm chỗ này thì làm chỗ khác. Làm để sống chứ làm để chết à. Công việc tốt, người tử tế, sếp tốt, nhân sự biết người, dại gì không làm. Bây giờ người ta cũng biết thân biết phận, biết người biết việc lắm chứ, chẳng qua không thể chịu đựng được, người ta... mới nhảy thôi.
Còn sếp và công ty thì sao? Tìm được người thạo việc khó quá, làm sao không phải đào tạo, không phải giảng giải nhiều mà vẫn hiểu ý nhanh, lại có sức lực tiềm ẩn, trường vốn trường hơi thì tốt quá. Vuột đi cũng tiếc. Nhưng sếp cũng là người chứ có phải gỗ đá đâu. Thêm nữa, người ta đang được quyền làm sếp, cũng phải thông cảm chứ. Thôi thì chẳng ai chịu ai. Chiến tranh nhẫn và nhịn, nóng và nảy, bực và tức, cáu và giận, cứ thế như điệp khúc nặng nề và dai dẳng cho đến lúc tìm được phương pháp giải quyết.
Phương pháp này cũng chẳng xa lạ gì. Một là có kẻ “say goodbye” (chào tạm biệt), hai là tâm sự 1080 trước khi có cái lá đơn lạnh lùng kia.
Chuyển hoá cơn giận
- Đối thoại: Quá quan trọng. Nhiều khi cứ nhấm nhẳng để trong lòng, “để hoá dưa hoá giòi”. Hại lắm. Các cụ chả bảo rồi: “Cái giận làm tôi xấu/ Biết vậy tôi mỉm cười!”. Tìm ra giải pháp, tiếng nói chung, tránh cáu giận gây mất đoàn kết nội bộ, tránh tình trạng “phang” nhau trên mọi phương diện. Nói thẳng nói thật (một cách tế nhị và nhân ái), trên cơ sở xây dựng nhiều chiều chứ không phải một chiều.
- Bộc lộ cơn giận một cách khôn ngoan: “Các cụ bảo cơn nóng giận cũng như lửa đốt cháy nhà. Chính vì thế, nên tìm cách chữa cái nhà đang cháy, tức là cách giải quyết, để tìm được tiếng nói chung, được sự hoà khí, hoà thuận. Điều này không có nghĩa buộc bạn phải ôm cơn giận vào lòng, nếu có, thì phải bằng tình thương.
TheoĐẹp