Mùa đại hội cổ đông vừa kết thúc, hàng loạt công ty công bố mức chia cổ tức hấp dẫn: thấp cũng 10% - 15%, cao lên tới 30%, 40%... Những nhà đầu tư (NĐT) có kinh nghiệm thì hiểu ngay rằng tỷ lệ cổ tức đó tính trên mệnh giá. Nhưng nhiều NĐT mới tham gia thị trường đã ngộ nhận tỷ lệ đó tính trên thị giá của cổ phiếu.
Một số chuyên gia chứng khoán cho biết ở nước ngoài, chuyện gây ngộ nhận cho các NĐT không bao giờ xảy ra bởi lẽ chẳng ai công bố như vậy. Chuyện các công ty công bố cổ tức bao nhiêu phần trăm chỉ... xảy ra ở Việt Nam.
Theo ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital, rất nhiều doanh nghiệp (DN) khi huy động vốn đã "hứa" với các NĐT một tỷ lệ phần trăm cổ tức hấp dẫn tính trên mệnh giá. Sau khi niêm yết, giá cổ phiếu tăng gấp nhiều lần so với mệnh giá nhưng các DN vẫn tiếp tục công bố tỷ lệ cổ tức như ban đầu.
"Tôi không hiểu, có thể là do truyền thống văn hóa hay một lý do gì khác. Nếu VN đã gia nhập WTO thì không thể công bố cổ tức theo tỷ lệ phần trăm như hiện nay mà phải công bố là số tiền cụ thể. Ở nước ngoài không bao giờ có chuyện chia cổ tức 12%, 15% hay 20% mà chỉ có thể là 12.000 đồng, 15.000 đồng...".
Lấy cổ phiếu REE là ví dụ, ông Dominic phân tích, REE mới công bố mức cổ tức chia cho các cổ đông là 16% trên mệnh giá 10.000 đ/ cổ phiếu. Thế nhưng nếu tính theo giá trung bình của REE hiện tại khoảng 220.000 đ/ cổ phiếu thì cổ tức thực lãnh của các cổ đông chỉ khoảng trên 0,7% thị giá mà thôi.
Rất bức xúc về vấn đề này, ông Huy Nam, chuyên gia tài chính chứng khoán nhận định, ở thị trường VN có nhiều cách thực hiện chưa theo chuẩn mực quốc tế. Vấn đề công bố cổ tức theo tỷ lệ phần trăm hiện nay là một điển hình và đây là trở ngại lớn cho các NĐT.
Ở nước ngoài, cổ tức luôn phải công bố bằng số tiền tuyệt đối để NĐT lấy đó làm cơ sở tính toán xem việc họ đầu tư vào cổ phiếu đó có thực sự hấp dẫn hay không. Ông Nam khẳng định: "Công bố cổ tức phải bằng số tiền tuyệt đối chứ tỷ lệ phần trăm như hiện nay không có ý nghĩa gì cả".
Với những cổ phiếu giá tăng gấp vài chục lần thì cổ tức nhận được rất nhỏ so với thị giá. Tương tự trong trường hợp chia cổ tức bằng cổ phiếu thì phải tính bằng tỷ lệ cổ phiếu được nhận.
Các DN hiện nay thường công bố trả cổ tức bao nhiêu phần trăm là tiền mặt và bao nhiêu phần trăm là cổ phiếu, đó là cách tính rất khó hiểu. Về nguyên tắc, cổ tức phải tính bằng tiền mặt, ví dụ NĐT sở hữu cổ phiếu A được nhận cổ tức là 1.000 đ/ cổ phiếu và 1.000 đồng bằng cổ phiếu. "Trả bao nhiêu không cần biết nhưng tất cả vẫn phải tính ra tiền trước" - ông Nam khẳng định.
Lời khuyên của các chuyên gia dành cho các NĐT mới tham giá thị trường là cần tìm hiểu kỹ, hiểu thật thấu đáo các con số được các công ty công bố để có quyết định đầu tư chính xác, hạn chế rủi ro cho mình.
Theo Nguyên Hằng
Báo Thanh niên
http://dantri.com.vn/c76/s234-176912/vi-sao-cac-cong-ty-khong-cong-bo-co-tuc-bang-tien.htm