Từ xưa đến nay, đánh bạc vẫn được coi là một loại tệ nạn luôn luôn gây hậu quả xấu đối với xã hội, con người. Câu tục ngữ "Cờ bạc là bác thằng bần" cũng từ đó mà ra.
Thời gian qua, xảy ra nhiều vụ trọng án có nguyên nhân từ cờ bạc, nhiều gia đình phải ly tán, cha mẹ từ bỏ con, vợ lìa chồng, trẻ em thất học, lang thang chỉ vì trong gia đình có người sa vào con đường cờ bạc. Tệ nạn cờ bạc không chỉ xuất hiện ở vùng nông thôn, ở nơi làm ăn buôn bán, khu lao động tự do, mà còn lan vào giới doanh nhân, công chức, học sinh, sinh viên,... Ðiển hình gần đây là vụ một số cán bộ, giảng viên của một học viện ở Hà Nội tham gia đánh bạc và bị bắt quả tang. Vụ việc này khiến dư luận xã hội bất bình, làm cho những người quan tâm sự nghiệp giáo dục của nước nhà phải lo lắng.
Các biến tướng của tệ nạn cờ bạc dường như ngày càng đa dạng, với nhiều hình thức hấp dẫn, dễ lôi kéo những cá nhân không có bản lĩnh hoặc tham lam một cách cảm tính. Có thể khẳng định, tệ nạn này không chỉ là trò đỏ đen, lừa gạt, mà sâu xa hơn là những thói quen xấu, những hành vi xấu gây tổn hại tới môi trường văn hóa - xã hội, ảnh hưởng tới sự phát triển của con người. Ðể bài trừ tận gốc tệ nạn này, ngoài sự kiên quyết của các cơ quan hành pháp, cần thiết phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động sâu rộng trong xã hội để tạo sức đề kháng cho mọi người, nhất là trong giới trẻ. Nhiều chủ trương của Nhà nước khi triển khai trong xã hội rất thành công nhờ kết hợp giữa vận động, tuyên truyền và những chế tài hợp lý (như không đốt pháo trong dịp Tết, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên các phương tiện cơ giới hai bánh...). Tuy nhiên, bên cạnh việc giáo dục tuyên truyền, cùng với ý thức của từng cá nhân, từng gia đình, thì cần có sự giám sát của xã hội. Ðể xây dựng môi trường xã hội ngày càng văn minh, phát triển lành mạnh thì không thể để cho vụ việc, tệ nạn nào đó xảy ra thì mới lên tiếng phê phán và xử phạt, mà cần phải có những hành động ngăn chặn ngay từ trong cộng đồng, trước khi hiện tượng nảy sinh.
VŨ HẢI SA