Đề án Quốc gia 191 “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005 – 2010” sắp “cán đích” sau 5 năm triển khai.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, với hiệu quả đã được khẳng định trong cộng đồng doanh nghiệp, việc ra đời giai đoạn hai của Đề án là cần thiết.
Giúp doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng
Tại buổi làm việc giữa Bộ TT&TT với VCCI cuối tháng 4/2010, trao đổi sơ bộ về kết quả thực hiện Đề án Quốc gia 191 giai đoạn 2005 – 2010, ông Lê Văn Lợi – Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp (đơn vị trực thuộc VCCI) cho biết: Qua gần 5 năm thực hiện Đề án Quốc gia 191, VCCI đã tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức ứng dụng CNTT, giúp doanh nghiệp lựa chọn giải pháp ứng dụng, đào tạo nhân lực CNTT, hỗ trợ tham gia thương mại điện tử… Nhằm đưa ra bức tranh toàn cảnh về thực trạng ứng dụng của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, góp phần quan trọng cho công tác hoạch định chính sách của Nhà nước, VCCI đã thực hiện hai cuộc điều tra, khảo sát lớn là Điều tra Chỉ số ứng dụng CNTT toàn quốc (thực hiện trong năm 2009 – 2010, dự kiến công bố vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5/2010), Điều tra Thực trạng ứng dụng CNTT của doanh nghiệp tại các địa phương (thực hiện từ năm 2006 – 2010).
|
VCCI đã tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức ứng dụng CNTT cho doanh nghiệp. (Ảnh: Thanh Hải)
|
Theo ông Lê Văn Lợi, công tác tuyên truyền ứng dụng CNTT cho lãnh đạo, nhân lực phụ trách CNTT và nhân viên trong các doanh nghiệp được thực hiện linh hoạt với các hình thức đào tạo trực tiếp tại địa phương, hội thảo (trung bình 45 hội thảo/1 năm), toạ đàm, phát hành bản tin, sách chuyên khảo… Hai năm trở lại đây, công tác hướng dẫn các doanh nghiệp địa phương lập website quảng bá thương hiệu, ứng dụng thương mại điện tử phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản… cũng được đẩy mạnh. Tính đến năm 2010, đã có 10 tỉnh thành lập Sàn giao dịch điện tử, góp phần giúp cho các doanh nghiệp địa phương mở rộng thị trường quốc tế.
Rào cản “dùng phần mềm theo cảm tính”
Là người theo sát quá trình triển khai Đề án Quốc gia 191, ông Nguyễn Trung Thực – Giám đốc kinh doanh Viện Tin học Doanh nghiệp, đã nêu lên thực trạng: Do không nắm rõ về sản phẩm và do hiện nay trong nước chưa có đơn vị thẩm định chất lượng phần mềm, thế nên, mỗi khi đưa ra quyết định mua sắm các doanh nghiệp thường rất lúng túng và chỉ dựa theo cảm tính, kinh nghiệm cóp nhặt từ thực tế. Ông Thực nhấn mạnh, trừ một số ít doanh nghiệp tại thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM…, còn lại nhiều doanh nghiệp, nhất là tại vùng sâu, vùng xa hiện nay chỉ tư duy “thấy rẻ là… mua”. Chính thực tế này lại tạo điều kiện cho nhiều đơn vị cung cấp phần mềm đang chạy đua cạnh tranh bằng giá thành để tìm kiếm khách hàng, tăng thị phần chứ không hẳn là chất lượng.
Bên cạnh đó, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn ứng dụng CNTT hiện nay thường đưa ra tiêu chí đánh giá phần mềm thiếu cơ sở thuyết phục, dẫn đến chuyện mỗi nơi một “phách” (như với phần mềm kế toán, một doanh nghiệp nếu cần được tư vấn sẽ nhận được các ý kiến khác nhau: nơi nói MISA tốt, nơi cho rằng nên dùng ACsoft, có người lại khẳng định cần dùng phần mềm ngoại…). “Thực tế đó dễ gây thiếu hiệu quả cho công tác ứng dụng của doanh nghiệp. Để đảm bảo quyền lợi và giúp các doanh nghiệp ứng dụng CNTT hiệu quả, tại Việt Nam cần sớm có cơ quan kiểm định chất lượng sản phẩm” - ông Thực khẳng định.
Giai đoạn hai: Cần sự “đột phá”
Theo ông Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch VCCI, riêng trong năm 2009 Việt Nam đã có thêm 83000 doanh nghiệp mới được thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp tư nhân trong nước hiện nay lên tới 500.000 (trong đó, 86% là doanh nghiệp nhỏ và vừa với số vốn dưới 10 tỷ đồng, số lượng lao động dưới 300 người).
Như vậy, đặt trong thời điểm VCCI đang gấp rút triển khai công tác tổng kết việc thực hiện Đề án 191, nghiên cứu phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành xây dựng dự thảo kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo để trình Chính phủ như hiện nay, ông Dũng dự báo: Thời gian sắp tới, số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ còn tăng mạnh, và điều đó cũng đồng nghĩa với nhu cầu, thị trường ứng dụng CNTT trong cộng đồng doanh nghiệp sẽ lớn hơn. Do đó, giai đoạn nối tiếp của Đề án 191 cần đưa ra được phương án tổ chức, thực hiện bám sát xu hướng phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong nước…
Đưa ra một số định hướng triển khai cho việc xây dựng kế hoạch tiếp theo của Đề án 191, ông Lê Văn Lợi cho rằng trên cơ sở ý kiến đóng góp từ một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng qua thời gian triển khai Đề án, trong giai đoạn tiếp theo Đề án sẽ xem xét có nên mở rộng thêm đối tượng doanh nghiệp lớn cùng với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ hay không; đồng thời, ngoài việc phối hợp với các Sở TT&TT như hiện nay, tùy địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khác như Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Thuế, Cục Hải quan (các đơn vị lần lượt liên quan trực tiếp đến công tác xúc tiến thương mại, triển khai thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ mới trong CNTT, phát triển thương hiệu, thuế điện tử, hải quan điện tử) nhằm đảm bảo sự thuận lợi cho công tác ứng dụng, xúc tiến thương mại, kê khai thuế...
Trao đổi thêm về công tác tổng kết, ông Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT (Bộ TT&TT) cho rằng một vấn đề rất quan trọng là việc đánh giá sau 5 năm cần chỉ ra được các mô hình doanh nghiệp ứng dụng CNTT thành công, để từ đó tuyên truyền, nhân rộng trong cộng đồng doanh nghiệp.
Công tác đánh giá Đề án Quốc gia 191 cần phải làm rõ được những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề chính sách, vay vốn để kiến nghị với Chính phủ hỗ trợ xây dựng phương hướng tháo gỡ.