Thị trường thông tin di động Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Song, có thể nói, chưa năm nào lĩnh vực này lại có nhiều dấu mốc, bước ngoặt phát triển ấn tượng như năm 2009 này.
|
VinaPhone đã là mạng di động tiên phong "khai màn" bữa tiệc 3G tại Việt Nam trong năm 2009 này. |
VinaPhone khai màn “bữa tiệc” 3G
Theo đúng cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 12/10, VinaPhone đã là mạng di động đầu tiên cung cấp dịch vụ công nghệ 3G. Sau VinaPhone hai tháng, hôm 15/12 vừa rồi, MobiFone cũng đã họp báo công bố chính thức cung cấp dịch vụ. Vậy là “chuyến tàu” 3G của Việt Nam đã chính thức khởi hành.
Có thể nói đây là sự kiện được đánh giá quan trọng hàng đầu của ngành viễn thông Việt Nam nói chung và di động nói riêng trong năm 2009 này. Kéo dài trong suốt năm 2009, từ việc thi tuyển giành giấy phép 3G và nay là theo dõi tiến độ triển khai, cung cấp dịch vụ vào thực tế của các doanh nghiệp trúng tuyển - mỗi mốc phát triển của sự kiện đã tốn khá nhiều giấy mực của giới truyền thông.
Sau hơn ba tháng chuẩn bị, đúng 8h30 ngày 18/2/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận Đề án phát triển, kinh doanh dịch vụ công nghệ 3G của 7 doanh nghiệp thông tin di động Việt Nam. Tuy nhiên, với 7 doanh nghiệp di động, chỉ có 6 hồ sơ được nộp do EVN Telecom và Hanoi Telecom cùng liên danh thực hiện hồ sơ. Trái với dự đoán của nhiều người khi ấy, liên danh dự kiến sẽ diễn ra bởi EVN Telecom và SPT.
Ngày 2/4, sau một thời gian làm việc nghiêm túc, khẩn trương đảm bảo theo đúng quy chế làm việc của Hội đồng thi tuyển 3G và quy trình chấm tuyển đã được phê duyệt tại Hồ sơ mời thi tuyển theo 2 vòng: sơ tuyển và xét tuyển, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết quả thi tuyển 3G. Không nằm ngoài dự đoán, 2/4 tấm vé 3G đã thuộc về nhà mạng MobiFone và VinaPhone. Hai “suất” còn lại đã thuộc về mạng di động Viettel và Liên danh EVNTelecom - HT Telecom.
Ngày 13/8/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp Giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất tiêu chuẩn IMT-2000 trong băng tần số 1900-2200MHz và Giấy phép băng tần với thời hạn 15 năm cho doanh nghiệp và liên danh trúng tuyển.
Vietnamobile, Beeline gia nhập thị trường
2009 cũng là năm chứng kiến sự “lột xác” của mạng di động với đầu số cung cấp 092 từ CDMA với cái tên HT Mobile sang eGSM mang thương hiệu mới Vietnamobile vào ngày 8/4. Công ty cổ phần Hanoi Telecom và đối tác hợp tác kinh doanh BCC của mình là Hutchison đã chính thức ra mắt mạng di động công nghệ eGSM mang tên Vietnamobile. Vietnamobile ra đời trong bối cảnh kinh tế khó khăn và nhất là khi hầu hết các mạng di động đi trước của Việt Nam đã khẳng định thị phần của mình.
Ngày 20/7, mạng di động quốc tế đầu tiên và là mạng di động thứ 7 của Việt Nam - Beeline chính thức ra mắt. Việt Nam là quốc gia thứ 10 mà mạng di động quốc tế Beeline đặt chân tới. Ngay khi ra mắt tại Việt Nam, Beeline đã thực sự khuấy đảo thị trường thông tin di động Việt với gói cước đặc biệt BigZero ấn tượng mà có lẽ người dân Việt Nam nào cũng đã từng một lần nghe nhắc tới trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tiếp tục xiết chặt quản lý thuê bao trả trước
Sẽ là thiếu sót nếu như không đề cập tới sự kiện này. Ngày 24/6/2009 Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 22/2009/TT-BTTTT về quản lý thuê bao trả trước. Một trong số những nội dung được đặt ra trong thông tư 22 đã thể hiện quyết tâm xiết chặt công tác quản thuê bao trả trước hiện nay, góp phận hạn chế thuê bao ảo, sim số rác, chống lãng phí tài nguyên khó số đó là các thuê bao đăng ký quá 3 SIM/mạng di động sẽ phải đăng ký lại với nhà mạng trước ngày 31/12/2009, nếu không sẽ bị cắt liên lạc.
Khi đưa ra mức hạn chế số lượng thuê bao mà mỗi cá nhân được đăng ký, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đây sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để nhằm hạn chế thuê bao ảo, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và công bằng tài nguyên viễn thông.
Với những chương trình khuyến mại khủng của các nhà mạng, khuyến mại vào SIM, đã có thời điểm người dùng di động thay SIM số như… thay áo, chính vì vậy, theo ước tính, phải có tới hàng chục triệu thuê bao một lúc sử dụng rất nhiều SIM số của một mạng, quá với quy định mới của Bộ (3 SIM/mạng). Với thông tư 22, những khách hàng này sẽ phải lựa chọn giữ lại SIM nào để sử dụng, SIM nào cắt trả lại cho doanh nghiệp.
Nhà mạng di động hết thời khuyến mại lớn
Nếu như trong nửa đầu năm 2009, thị trường di động Việt Nam "nhộn nhịp" chưa từng thấy với hàng loạt các chương trình khuyến mãi, giảm cước hậu hĩnh thì tình hình đã thay đổi từ quý III/2009.
Tháng 9/2009, văn bản yêu cầu các doanh nghiệp di động không được khuyến mại vượt quá 50% giá trị thẻ nạp của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) ban hành đã chính thức chấm dứt những cơn lốc khuyến mại lớn của các nhà mạng di động trong thời gian qua.
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thị trường dịch vụ thông tin di động đã xuất hiện một số chương trình khuyến mại dành cho các thuê bao di động trả trước với hình thức tặng thêm tiền vào tài khoản cho các thuê bao khi nạp tiền với giá trị vượt quá 50% giá trị của thẻ nạp.
Theo quy định của Luật Thương mại về khuyến mại thì sản phẩm, dịch vụ khuyến mại không được quá 50% giá trị hàng hóa hoặc dịch vụ đang khuyến mại. Vì vậy, việc khuyến mại tặng tài khoản vào giá trị thẻ nạp rất lớn của các doanh nghiệp di động là vi phạm quy định trong lĩnh vực khuyến mại.
Có thể nói, 2009 đã là năm thành công của lĩnh vực thông tin di động Việt Nam. Những mạng mới được ra mắt, công nghệ 3G hiện đại được chờ đón đã triển khai. Dù còn có những vấn đề còn phải được quản lý, đưa vào khuôn khổ song tất cả đều vì một thị trường thông tin di động Việt phát triển lành mạnh, ổn định và trên hết là vì lợi ích người tiêu dùng.