Ít giải pháp nâng chất lượng đào tạo
TT - Sáng 24-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục. Một dự án luật rất quan trọng, dù khuôn khổ thảo luận chỉ gói gọn trong buổi sáng nhưng hàng loạt bức xúc của nền giáo dục nước nhà đã được đưa ra mổ xẻ khá quyết liệt.
Bộ trưởng quyết sai thì cách chức
Các đại biểu (ĐB) Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM), Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), Hoàng Minh Nhất (Hà Giang) đều thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là không nên giao quyền quyết định thành lập trường đại học cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT mà phải thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Những ĐB đồng tình với ý kiến này cho rằng hiện việc thành lập trường đại học do Thủ tướng quyết định còn xảy ra tình trạng “trăm hoa đua nở” như vừa qua, nếu giao cho bộ trưởng thì chưa biết tình hình sẽ còn loạn đến đâu.
Trong khi đó, ĐB Huỳnh Thành Đạt (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM) cho rằng tuy hiện nay Thủ tướng giữ quyền quyết định nhưng việc thẩm định do Bộ
GD-ĐT chủ trì nên trên thực tế Thủ tướng không thể quán xuyến được tình hình. ĐB Đặng Ngọc Tùng (TP.HCM) nói vấn đề không phải ai quyết định mà quan trọng ở chỗ người quyết định có chịu trách nhiệm hay không.
Theo ông, nên giao quyền thành lập trường đại học cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT và bộ trưởng phải là người duy nhất chịu trách nhiệm, nếu quyết định sai thì cách chức. Để ngăn chặn khả năng bộ trưởng lạm quyền, ông Tùng đề nghị phải bỏ cơ chế xin - cho và thay vào đó giao quyền tự chủ cho các địa phương, các trường. “Tất tần tật các tiêu cực, tham nhũng cũng đều do cơ chế xin - cho mà ra”.
“Vào ĐH như đi... xe đò”
Một số ĐB cho rằng các điều khoản trong dự thảo luật sửa đổi lần này chủ yếu điều chỉnh câu chữ là chính chứ không tìm thấy lời giải cho những vấn đề người dân quan tâm như làm sao giảm tải chương trình học ở các bậc phổ thông, khắc phục tình trạng cơ sở trường lớp nghèo nàn, thu học phí vô tội vạ và cải tiến chất lượng đào tạo.
“Chương trình quá tải nên hiện nay con em chúng ta học không có thì giờ nghỉ. Cái chúng ta cần sửa là chỗ đó chứ đâu phải chỉ có mấy câu chữ chung chung thế này”- ĐB Nguyễn Đăng Trừng nói. ĐB Hoàng Thị Hạnh (Bắc Giang) nhận xét chương trình phổ thông quá nặng, mang nặng tính hàn lâm mà nguyên nhân cơ bản là do chưa có quy định chặt chẽ về quy trình biên soạn, thẩm định biên soạn, chưa gắn trách nhiệm cụ thể cơ quan ban hành. Theo bà Hạnh, Luật giáo dục sửa đổi nên tập trung vào đây.
Tương tự, ĐB Huỳnh Văn Kiệt nói với phạm vi sửa đổi như vậy khiến người dân chưa an tâm và cho rằng chắc không bao lâu sẽ lại phải sửa nữa. “Chất lượng giáo dục và sách giáo khoa hiện cử tri kêu nhiều” - ông Kiệt nhấn mạnh.
ĐB Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) và ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng cách đưa việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục ra thảo luận và thông qua ngay trong kỳ họp lần này là quá gấp và mang tính tình thế. Ông Toàn nêu một số vấn đề bức xúc về giáo dục, đề nghị dự thảo luật mới nghiên cứu, đề cập như học phí và các khoản thu khác trong nhà trường, nên làm rõ trách nhiệm nhà nước và người học, không thể san lấp ao, mua bảng đen cũng học sinh phải đóng. “Nên quy định rõ Nhà nước chịu trách nhiệm mua sắm cái gì”- ông Toàn đề nghị.
ĐB Hoàng Văn Toàn cho rằng hiện các trường đại học đua nhau mở cơ sở dạy tại chức tại các tỉnh, hình thành phong trào đi học vì thi tuyển đầu vào rất thoải mái. Ông Toàn cảnh báo “nếu không chấn chỉnh, 10 năm nữa đội ngũ quản lý của VN sẽ rất nguy hiểm”. ĐB Trần Du Lịch ví von việc tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện nay khiến các trường chẳng khác nào những chuyến xe đò: “Những em nào giỏi, trúng nguyện vọng 1 thì đi chuyến xe đầu tiên, không trúng thì chờ đi chuyến thứ hai và dở tới đâu thì cuối cùng cũng có những trường dân lập đưa xe tới đón”!
Cũng có một số ĐB cảnh báo việc kiểm định chất lượng giáo dục lần này tuy được đưa vào luật nhưng chỉ quy định chung chung, không có điều khoản bắt buộc hoặc chế tài nên khó tránh khỏi phát sinh tiêu cực khi thực hiện. Theo các ĐB, đã luật hóa vấn đề kiểm định chất lượng thì phải quy định rõ ràng, nếu không các trường có thể tránh né kiểm định hoặc ngược lại sẽ đổ xô “chạy” chứng nhận chất lượng để đánh bóng tên tuổi và quảng bá thương hiệu.
N.TRIỀU - C.V.K.
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=344245&ChannelID=13