TTO - Thay vì chờ đợi các trường ĐH thay đổi chương trình đào tạo để cho ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình, nhiều doanh nhân bắt đầu tích cực tham gia góp sức vào việc nâng cao kỹ năng làm việc thực tế cho sinh viên (SV).
Bước đầu các giảng viên - doanh nhân đã đạt được một số kết quả khả quan thể hiện qua sự hứng thú tham gia của hàng ngàn SV trong chương trình “1.000 doanh nhân truyền kinh nghiệm cho thanh niên qua Elearning”.
Chương trình này do Hội Liên hiệp thanh niên VN phối hợp với chương trình cử nhân trực tuyến TOPICA (Viện ĐH Mở Hà Nội), Hội Doanh nghiệp trẻ VN tổ chức bằng phương pháp Elearning thông qua cổng thông tin tri thức Thánh Gióng và bắt đầu được thực hiện thí điểm từ tháng 3-2009.
Khởi đầu bằng một quy mô khiêm tốn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng đến hết tháng 9-2009, chương trình đã đạt kết quả khá bất ngờ: hơn 2.000 SV năm cuối đã tham gia các khóa học trực tiếp và khoảng 1.900 học viên, chủ yếu là SV mới tốt nghiệp ĐH, đăng ký học trực tuyến trong giai đoạn thí điểm và giai đoạn 1 của chương trình.
Góp sức thay vì chờ đợi!
Tại buổi sơ kết giai đoạn 1 của chương trình và triển khai mở rộng mô hình này, ông Nguyễn Mạnh Cường - phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ VN - cho biết: Trong thời gian thí điểm và giai đoạn 1 của chương trình, đã có 105 doanh nhân từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng ký tham gia giảng dạy, trong đó hơn 30 người đã trực tiếp giảng dạy.
SV của một số trường ĐH khu vực Hà Nội và học viên đăng ký học trực tuyến qua cổng thông tin Thánh Gióng đã được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng ứng xử chuyên nghiệp trong môi trường làm việc…
Ông Cường đánh giá: Không chỉ được bổ sung kiến thức thực tế, đặc biệt là các kỹ năng làm việc rất thiết thực giúp tự tin hơn, khi được tham gia chương trình đào tạo, các bạn SV được tiếp xúc với các nhà quản lý, qua đó có nhiều cơ hội tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân.
Trần Thị Phương Thảo - SV của Viện ĐH Mở Hà Nội, đã tham gia lớp “Kỹ năng phỏng vấn thành công” khóa 1 - cho biết thông qua các buổi học, bài giảng multimedia của cổng Thánh Gióng, làm bài trắc nghiệm và bài tập tình huống, thảo luận trên diễn đàn…, không chỉ thu nhận được nhiều kinh nghiệm thực tế từ các giảng viên, Thảo còn có thay đổi lớn trong phương pháp tư duy và giải quyết tình huống.
Nhưng lợi ích không chỉ mang lại cho người học. Qua thực tiễn giai đoạn đầu thực hiện chương trình này, TS Phạm Minh Tuấn - giám đốc chương trình TOPICA (Viện ĐH Mở Hà Nội) - nhận xét: Tham gia nâng cao kỹ năng và trang bị kinh nghiệm thực tiễn cho các SV, các nhà quản lý đã trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thay vì chỉ trông chờ vào nhà trường.
Tham gia giảng dạy cũng là cơ hội để các doanh nhân quảng bá doanh nghiệp và phát triển kỹ năng cá nhân (thuyết trình, làm việc với công cụ elearning…) cho chính các giảng viên - doanh nhân.
Những băn khoăn của nhiều doanh nhân khi được mời tham gia giảng dạy như e ngại không có thời gian tham gia, ngại không muốn giãi bày, chia sẻ kinh nghiệm làm việc của bản thân và công việc kinh doanh của đơn vị mình… hay một số tình huống có thể nảy sinh trong quá trình giảng dạy, trao đổi như bất đồng ý kiến dẫn đến tranh luận quá gay gắt giữa giảng viên và học viên, phương pháp truyền đạt còn hạn chế do thiếu kỹ năng sư phạm… đã dần dần được giải tỏa và khắc phục.
30.000 SV được đào tạo kỹ năng thực tế
Đó là mục tiêu của chương trình trong hai năm tới. Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Trong giai đoạn 2 thực hiện từ tháng 10 đến hết tháng 12-2009, chương trình này sẽ được nhân rộng ra toàn quốc, tới một số trường ĐH tại TP.HCM và Đà Nẵng với mục tiêu thu hút 200 doanh nhân tham gia giảng dạy và khoảng 5.000 SV được nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm làm việc.
Đến giai đoạn 3 được thực hiện trong hai năm 2010-2011, dự kiến chương trình sẽ mở rộng tới nhiều trường ĐH trong toàn quốc, thu hút khoảng 30.000 SV tham gia các khóa đào tạo kỹ năng làm việc dưới sự giảng dạy, hướng dẫn của khoảng 1.000 doanh nhân.
Ngay tại lễ sơ kết giai đoạn 1 của chương trình ngày 25-10 tại Hà Nội, nhiều hội doanh nghiệp trẻ các địa phương và đại diện các trường ĐH đã ký cam kết đồng hành cùng chương trình. Trong đó, về phía các doanh nghiệp cam kết sẽ cử cán bộ quản lý, chuyên viên nhân sự… tham gia chương trình, các trường ĐH cam kết sẽ tạo điều kiện cho đông đảo SV năm cuối được tiếp cận với chương trình nâng cao kỹ năng thực tế này.
Người học và đặc biệt là các giảng viên hiện chỉ e ngại nhất là dung lượng, tốc độ đường truyền Internet và khả năng truy cập vào cổng thông tin Thánh Gióng có thể làm ảnh hưởng tới hiệu quả của hình thức học Elearning.
THANH HÀ