http://www.nhandan.com.vn
ND - Các thầy vừa dạy chữ vừa dạy người để đào tạo nên những công dân có học, đạo đức, lại được cha mẹ học sinh quan tâm phối hợp. Nhưng nếu chỉ nói giáo dục kỹ năng sống (KNS) mà không có nội dung cụ thể để dân biết, dân bàn, dân tham gia thì có phần còn trừu tượng, chưa phát huy được nội lực sẵn có.
Theo tôi nên nói "KNS tốt đẹp, lành mạnh, hữu ích" mới cần và đủ, phải làm thân thiện để học sinh có ý thức về bản thân mình trong mối tương quan cộng đồng, biết mình được tôn trọng nhân cách để định ra hành vi ứng xử tốt đẹp, lành mạnh đúng đạo lý và pháp lý. Tóm lại, giáo dục KNS là giáo dục, đào tạo cách làm người biết sống có chất lượng.
Nhưng thực tế còn có lối sống ích kỷ hại người, mạnh được yếu thua, gây gổ hung hãn (đánh chửi nhau ngay trong sân trường), thờ ơ vô cảm, coi thường người khác, chỉ biết hưởng thụ, đòi hỏi xã hội phải "cho mình tiền của và vật chất", coi thường dư luận, không chấp hành pháp luật. Ðó là những thách thức cho KNS tốt đẹp, lành mạnh, khiến người tốt nhiều khi bị co cụm thành số ít.
Nên tích hợp truyền thống đạo lý tốt đẹp (kế thừa có chọn lọc) và lối sống văn minh thời đại để giáo dục KNS. Nhất là lấy lời Bác Hồ dạy các trẻ thơ, nhi đồng, thanh, thiếu niên, đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh làm bài học thông qua các hình thức đối thoại, hội thảo, dùng văn nghệ (sáng tác, đóng kịch...). Dần dần sẽ hình thành nết chăm, ngoan, hướng tới sự cao thượng, văn minh đẩy lùi thói hư tật xấu. Giáo dục KNS trong, ngoài nhà trường hướng thiện, hướng tâm, có tầm để đào tạo nên những công dân lấy sự học để hiểu biết, để làm việc, làm người, có KNS biết chung sống bằng các chuẩn mực ứng xử và tạo quan hệ lành mạnh, có KNS là học và làm việc suốt đời, không coi bằng cấp là "phao thoát hiểm" mà coi "giáo dục là tấm hộ chiếu" vào đời làm giàu tiềm năng của mỗi người hôm nay và mai sau.
Trần Ðồng Quang