Sinh viên “dính” tệ nạn: Đâu là nguyên nhân?
Một lãnh đạo Bộ GD-ĐT thừa nhận, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc sinh viên “dính” vào tệ nạn và phạm tội là do lâu nay việc giáo dục đạo đức còn chưa song song với đào tạo kiến thức.
Thiếu giáo dục toàn diện có chiều sâu sẽ dẫn đến việc sinh viên (SV) sa sút về phẩm chất và lối sống và vi phạm pháp luật.
SV phạm tội ngày càng gia tăng
Ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV - Bộ GD-ĐT nhận xét: “Thời gian gần đây không chỉ SV mà còn có cả người đứng trên bục giảng phạm tội. Điều đó đã ảnh hưởng đến không chỉ ngành giáo dục mà còn tác động xấu đến xã hội. Câu “Kính thầy yêu bạn” dường như đang bị lãng quên.
Trước đây, ít khi xảy ra chuyện học trò xúc phạm thầy hay thầy xúc phạm học trò thì nay xuất hiện khá phổ biến. Điều đó nói lên phẩm chất và lối sống của bộ phận thầy và trò đang bị sa sút. Ở đây tôi không phải muốn đề cao giáo dục nhân cách hơn kiến thức mà phải song song, nhưng nền tảng của tri thức, kiến thức vẫn phải là nhân cách”.
Lâu nay, thiết chế văn hóa trong nhà trường còn thiếu. Cơ sở vật chất, ký túc xá, sân chơi... cho SV còn thiếu trầm trọng. Một thực tế hiện nay, nhu cầu giao lưu của học sinh, SV là cần thiết nhưng cách thức tổ chức văn hóa này lại ít được quan tâm.
Từ việc thiếu chỗ cho SV tham gia, sinh hoạt lành mạnh, SV sẽ tìm đến những điểm chơi game, bi-a... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc SV phạm tội, nhưng, nguyên nhân nào thì cũng không thể chấp nhận được. Bởi vì, SV được cho là giới tri thức tương lai, chú trọng kiến thức hơn sẽ dẫn đến nhận thức ấu trĩ của một bộ phận SV.
Những năm gần đây, số vụ SV phạm pháp hoặc bị kỷ luật mỗi năm một tăng. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ GD-ĐT, giai đoạn từ năm 2003-2007, số SV phạm tội hình sự là 27 SV, bị bắt giữ liên quan đến vụ việc khác 77 SV, 126 SV bị buộc thôi học và 2.533 SV vi phạm quy chế nhà trường.
Tại sao SV vấp ngã?
Giáo dục toàn diện có chiều sâu không chỉ ở các môn học, giờ học trong trường mà gồm cả cách ứng xử của thầy, trò. Nhân cách của học trò phát triển theo hướng tích cực hay không tích cực có sự đóng góp của cả gia đình, nhà trường và xã hội.
Sự xuất hiện hình ảnh SV vi phạm, thầy cô vi phạm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý học sinh, SV. Nhiều người cho rằng, những hoạt động phong trào của SV chỉ rầm rộ ở thời điểm nhất định, rồi lại lắng xuống.
Việc tham gia hoạt động xã hội của SV tình nguyện được duy trì chủ yếu vẫn do phái nữ hăng hái hơn. Sự thiếu đóng góp hoạt động phong trào lành mạnh như vậy chủ yếu diễn ra ở những SV ham chơi, học hành chểnh mảng.
Từ năm 2002, Bộ GD-ĐT ban hành quy định đánh giá học sinh, SV qua rèn luyện phẩm chất, đạo đức, đương nhiên có cả rèn luyện học tập. Trong đó quy định nếu kém về ý thức pháp luật, trách nhiệm công dân sẽ bị “đúp” một năm và sẽ bị buộc thôi học nếu trong hai năm liên tiếp vi phạm điều này.
Thời gian gần đây, SV phạm tội như luồng gió đen gây ảnh hưởng đến môi trường sư phạm. Năm 2007, Bộ GD-ĐT ban hành quy định công tác đảm bảo về ANCT và TTATXH.
Quy định ghi rõ chú trọng về tăng cường rèn luyện phẩm chất chính trị và lối sống HS SV. Một lãnh đạo Bộ GD-ĐT đưa ra những tồn tại cần khắc phục trong công tác phòng chống tội phạm ở trường học.
Thứ nhất, nhận thức của một bộ phận cán bộ lãnh đạo các trường về nguy cơ của tội phạm đối với SV, cán bộ giảng viên chưa sâu sắc. Hơn nữa, việc triển khai hiệu quả chưa cao, chủ yếu mang tính hình thức. Đặc biệt, cán bộ này nhấn mạnh, lâu nay việc phối kết hợp giữa các ngành thiếu sự kết nối “đủ độ”.
Hạn chế và ngăn chặn SV phạm tội phải là sự vào cuộc của tổng thể xã hội. Bộ GD-T đã kiến nghị Chính phủ cho xây dựng thêm ký túc xá cho SV để tạo điều kiện cho SV có nơi ở ổn định học hành, hơn nữa thuận tiện cho công tác quản lý, giáo dục SV.
Theo Nguyễn Đức Tuấn
http://dantri.com.vn/c135/s135-231435/sinh-vien-dinh-te-nan-dau-la-nguyen-nhan.htm