Ngày 30/9/2009, Quan họ đã được Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể long trọng công bố là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
|
Đoàn Việt Nam tại Abu Dhabi
|
TS Lê Thị Minh Lý - Cục phó Cục di sản văn hóa, TS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật, ông Phạm Sanh Châu - Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam "dồn dập" thông báo "tin nóng" từ Abu Dhabi, thủ đô của Tiểu vương quốc A rập thống nhất, nơi đang diễn ra kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28/9 – 2/10/2009).
Hồ sơ Quan họ được Hội đồng chuyên môn của UNESCO đánh giá cao về giá trị văn hóa đặc biệt về tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, bài bản, ngôn từ và cả về trang phục.
Hồ sơ đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để Quan họ trở thành di sản đại diện của nhân loại với các kết luận sau:
|
Quan họ Lũng Giang (Bắc Ninh)
|
- Quan họ luôn được thực hành trong các hoạt động văn hóa, xã hội của cộng đồng, được cộng đồng hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang lưu giữ, trao truyền từ nhiều thế hệ và trở thành bản sắc của địa phương và lan tỏa trở thành không gian văn hóa đặc thù.
- Việc Quan họ được đăng ký vào danh sách đại diện sẽ góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản đối với xã hội làm giàu thêm bức tranh da dạng văn hóa của Việt Nam và của nhân loại.
- Một số biện pháp bảo vệ được đề xuất với sự cam kết của quốc gia, chính quyền địa phương và cộng đồng cho thấy tính khả thi của các hoạt động bảo vệ di sản.
- Hồ sơ đã thể hiện rõ sự tham gia một cách tự nguyện của người dân hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang trong việc nhận dạng, kiểm kê giá trị di sản và xác lập các biện pháp bảo vệ.
Viện Văn hóa Nghệ thuật và Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch được ghi nhận là các cơ quan nghiên cứu và quản lý có vai trò trực tiếp trong việc hướng dẫn cộng đồng thực hiện việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Quan họ theo đúng yêu cầu của Công ước UNESCO 2003.
Với vị trí là thành viên Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 (gồm 24 quốc gia), Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch cùng với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã tham gia dự kỳ họp này và được quyền lựa chọn, ghi nhận các di sản nói trên. Thay mặt cộng đồng nhân dân hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, Viện Văn hóa nghệ thuật và đại diện Chính quyền tỉnh Bắc Ninh cũng đã có mặt tại Abu Dhabi để đón nhận danh hiệu vinh dự.
Đợt công nhận Di sản vào danh sách Đại diện của nhân loại năm nay có 111 hồ sơ đề cử từ 34 quốc gia. Trải qua 3 vòng thẩm định khoa học nghiêm ngặt, Ủy ban đã công bố chỉ có 76 di sản được ghi nhận là Di sản Đại diện của Nhân loại. 35 hồ sơ còn lại không có tên trong danh sách vì không đáp ứng được một hoặc một vài tiêu chí xét chọn.
Trước đó đã có 90 di sản phi vật thể đại diện (chính là những "kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại" trước khi Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được thông qua vào 17.10.2003, trong đó Việt Nam có hai đại diện là Nhã nhạc cung đình Huế và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Quan họ là di sản phi vật thể đại diện thứ 3 của Việt Nam.
Trong số 76 di sản đại diện được ghi nhận lần này, Trung Quốc có tới 22 di sản được công nhận, Nhật Bản đứng thứ 2 với 13 di sản, tiếp theo là Croatia với 7 di sản, Hàn Quốc với 5 di sản.Thông tin này có thể gây "bất ngờ" với những người cho rằng, Việt Nam đang "ồ ạt" đề cử nhiều di sản thế giới. Tổng số di sản đại diện của Việt Nam chỉ bằng số di sản được công nhận đợt này của Pháp.
Phiên họp ngày 1/10/2009, Ủy ban sẽ xem xét và quyết định các di sản được đề cử vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Có 12 "ứng cử viên", trong đó có Hồ sơ Ca trù của Việt Nam. Đoàn Việt Nam đang hy vọng sẽ có tin vui tiếp theo.
|