Cô gái 26 tuổi này, vốn rất yêu thích âm nhạc, đã có một clip bài hát dài khoảng 5 phút trên Internet hồi tháng 2. Trong đó cô đã hát một nhạc phẩm cô tự sáng tác về quan điểm tiến tới hôn nhân của một người phụ nữ độc thân chốn thành thị. Vừa hát, Shao vừa đệm đàn ghi ta. “Bạn tôi đã tải clip đó lên mạng chỉ để cho vui”, Shao nói. “Không ai trong chúng tôi mong đợi điều gì sẽ xảy ra trong ngày hôm sau”.
Thế nhưng, phản ứng từ cộng đồng thế giới ảo thật quá sức tưởng tượng của Shao và người bạn. Clip do Shao "tự biên tự diễn" thu hút 300.000 lượt truy cập chỉ trong hai ngày đầu tiên. Shao còn nhận được hàng ngàn lời yêu cầu “được trở thành bạn bè” trên blog của cô. Các nhà sản xuất âm nhạc đã mời Shao đến để sáng tác các ca khúc và album đầu tiên của cô hiện đang được chuẩn bị.
Thời điểm này, Shao đã nổi tiếng với danh hiệu ca sĩ nhạc dân gian và blogger Shao Xiaomao. “Thật ngạc nhiên và hạnh phúc khi chứng kiến những ý tưởng của tôi được rất nhiều người chia sẻ. Tôi không đơn độc nữa”, Shao nói.
Tuy nhiên, mẹ của Shao, một giáo viên trung học, lại cảm thấy lo lắng vì điều đó. “Đầu tiên mẹ tôi cảm thấy xấu hổi vì tôi đã đề cập đến vấn đề hôn nhân. Bà nghĩ đó chỉ nên là vấn đề riêng tư”, Shao cho biết. “Sau đó, bà trách mắng tôi vì đã đưa nó lên Internet”.
Ở một quốc gia như Trung Quốc, nơi có truyền thống “cái tôi” thường phải nhường bước trước “cái ta” chung, Shao và những người thuộc giới trẻ như cô đang chứng kiến một cuộc cách mạng mới. Đó là ngày càng nhiều người Trung Quốc xác định bản thân mình như những cá nhân riêng biệt trong thế giới mạng.
“Sự khác biệt về quan điểm giữa Shao và mẹ cô phản ánh những thay đổi sâu sắc ở Trung Quốc”, Hu Qiheng, Chủ tịch Hiệp hội xã hội Internet Trung Quốc (ISC), khẳng định.
Vào ngày 20/4/1994, khi còn giữ chức Phó Viện trưởng Viện Hàn Lâm khoa học Trung Quốc, ông Hu đã liên hệ với Quỹ Khoa học Quốc gia của Mỹ để được kết nối mạng Internet. Thời điểm đó đã đánh dấu sự khởi đầu hoàn toàn mới về truyền thông cho quốc gia đông dân nhất hành tinh này.
Những người sử dụng Internet đầu tiên của Trung Quốc là 1000 nhà khoa học. 15 năm sau, cư dân mạng ở quốc gia này đã lên đến 338 triệu người, theo báo cáo của Trung tâm thông tin mạng Internet Trung Quốc ( China Internet Network Information Center - CNNIC) hồi tháng 7.
“Tất cả mọi người đều trở thành người khác trên Internet. Điều đó đã định hình một thế hệ mới tại Trung Quốc”, ông Hu nói.
Internet đã mở rộng các kênh thông tin cho công chúng, và “quan trọng hơn, thông tin được lan truyền nhờ tương tác và trong thời gian thực”, Chen Jiangong, một chuyên gia phân tích cấp cao tại CNNIC, cho hay.
Zhang Jie, 26 tuổi, biên tập viên tạp chí tại khu đô thị tây nam Trùng Khánh, nhận ra việc lướt net là thứ không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày, kể từ lần đầu tiên cô được tiếp xúc Internet cách đây 10 năm. Cũng như hầu hết bạn bè và đồng nghiệp, Zhang sử dụng Internet để làm việc, giải trí và mua sắm.
“Internet không chỉ mang lại sự tiện lợi cho cuộc sống, mà quan trọng hơn, nó làm mới những suy nghĩ của tôi”, Zhang nói.
Trước khi sử dụng Internet, Zhang rất ít cập nhật thông tin và tiếp xúc với những quan điểm khác.
Tianya, một công thông tin rất nổi ở Trung Quốc, là diễn đàn mà Zhang rất yêu thích. Hàng ngày, Zhang ghé thăm diễn đàn này để đọc những bài viết ở Tianya By-talk, nơi tập trung khai khác những vấn đề xã hội nóng.
Được thành lập vào năm 1999, Tianya đã trở thành một trong những diễn đàn trực tuyến được yêu thích nhất tại Trung Quốc. Ở đó, Zhang là một thành viên với cái tên “CaoCao”.
“Những quan điểm khác nhau khuấy lên sự hoài nghi và thu hút tôi vào việc xem xét các vấn đề một cách cẩn thận hơn trước khi đi đến kết luận”, Zhang nói. “Internet mang đến cho tôi nhiều hơn một cái tên ảo, nó biến tôi thành một người có suy nghĩ độc lập và một tâm trí cởi mở”.
Câu chuyện của Zhang không phải là duy nhất ở Tianya By-talk. Tại diễn đàn này, mỗi tháng đều có hơn 100 triệu lượt truy cập. Nhà quản trị diễn đàn Xiaodang cho rằng, thành công của Tianya là nhờ vào sự cởi mở và khoan dung từ những quan điểm khác nhau trên đó.
“Tất cả mọi người đều có thể bày tỏ những quan điểm riêng của họ, tạo lập những cuộc thảo luận. Đôi khi những cuộc cãi vã là điều không thể tránh được”, Xiaodang nói.
Tuy nhiên, cha mẹ của Xiaodang không quen với “bầu không khí luôn nóng” trên Tianya mặc dù họ vẫn thường vào đọc tin tức trên những trang web lớn như sina.com và kiểm tra email hàng ngày.
“Khi cha mẹ biết tôi đưa ra ý kiến phản hồi trên một vài chủ đề nhạy cảm, họ sẽ nhắc nhở tôi phải cẩn trọng và hạn chế”, Xiaodang nói. “Tự diễn đạt có vẻ ít quan trọng với họ”.
Nhưng anh chàng 25 tuổi này cảm thấy anh có quyền và trách nhiệm trong việc nói lên những suy nghĩ của riêng bản thân mình. “Một cư dân mạng chân chính phải là người trung thực, khách quan và có lý trí”, Xiao khẳng định.
“Bộc lộ cái tôi cá nhân cần phải được khuyến khích ở một đất nước coi trọng sự sáng tạo. Internet đang cổ vũ cho sự phát triển đó”, Hu Qiheng nhấn mạnh.
Theo Dân trí (Telegraph)