Thời gian gần đây, Việt Nam lại xuất hiện một số đối tượng lấy trộm tài khoản Yahoo! Messenger (Y!M), thư điện tử (email), sau đó đổi mật khẩu, đăng nhập lại để lừa người thân, bạn bè trong danh sách trò chuyện (list chat) của người bị mất nick.
Các đối tượng này thường nhờ bạn bè, người thân của "khổ chủ" mua hộ thẻ game, thẻ điện thoại hoặc vay "nóng" tiền… Đây là những chiêu thức không mới nhưng vẫn khiến không ít người cả tin sập bẫy lừa.
"Nở rộ" chiêu lừa
Vào một buổi chiều tháng 6/2009, chị N.T.P - phố Hoàng Cầu (Hà Nội) nhận được tin nhắn chat (trò chuyện) từ nickname "never_more21..." của cậu con trai tên H đang du học ở Mỹ (lúc đó bên Mỹ là 2 giờ sáng).
Sau khi chat khoảng hơn 1 tiếng, người chat với chị P. trình bày: "Con có việc quan trọng nhưng mẹ không được nói với ai, kể cả bố. Con vừa nghỉ hè nên muốn làm thêm. Con đã ký hợp đồng với một công ty của Mỹ để bán thẻ game, nhưng đến thời hạn giao hàng mà chưa đủ doanh số… Nếu không hoàn thành, con sẽ bị phạt, bị kiện ra tòa... Mẹ cứu con! "ể giúp con, mẹ ra bất cứ hàng net nào ở Hà Nội mua khoảng 100 thẻ game với tổng số tiền là 12 triệu đồng, loại thẻ 120.000 đồng/chiếc. Sau đó con sẽ hướng dẫn tiếp".
Vốn là gia đình khá giả, nhưng khoản tiền 12 triệu và lời khẩn thiết của "con" vẫn khiến chị P. rất lo lắng. Chị cũng bực mình vì cậu con trai vốn dĩ hiền lành quyết định làm thêm mà không xin phép. Không đủ kiên nhẫn, chị yêu cầu "con" sử dụng webcam để có thể vừa chat vừa thấy mặt; đồng thời phải gọi điện thoại về nhà. Tuy nhiên, kẻ "giấu mặt" này đã viện cớ đủ lý do chối từ.
Đúng lúc đó, ông xã chị P. về nhà. Chị chat với "con" là phải cho bố biết. Chị kể: "Lúc đó thái độ con mình khác hẳn. Mọi khi nó rất ngoan, bảo gì cũng nghe nhưng khi biết nói chuyện với người thứ 3, nó phản ứng dữ dội". Chồng chị P. là doanh nhân tên L. sau khi nghe sự việc đã gọi điện thoại từ Việt Nam sang Mỹ. Cậu con trai "thật" tên H. nghe máy và khẳng định từ tối tới giờ không sử dụng internet và không chat với ai.
Vốn rành về tin học, H. đã thông báo nickname đã bị hack (xâm nhập). Trao đổi với chúng tôi, chị P. nói: "Sự việc sau đó đã sáng tỏ nhưng gia đình phải mất một thời gian dài mới giải tỏa được. Sự lo lắng không yên khi đối tượng xấu kia vẫn nhởn nhơ trên mạng, sử dụng nickchat để lừa tiếp. Sợ nhất là uy tín, danh dự con trai tôi, gia đình tôi bị ảnh hưởng", chị P. than thở. Gia đình chị cũng đã nhanh chóng truyền tin cho người thân, bạn bè của H. về sự cố mất nick.
Cách đây ít tháng, Giám đốc thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Chu Tuyết Lan cũng rơi vào tình trạng "dở khóc, dở cười". Vào một buổi sáng sớm, chị Lan nhận được điện thoại của người bạn ở nước ngoài, giọng đầy hốt hoảng hỏi chị bị mất cắp ra sao.
Người bạn này kể là nhận được email của chị: lanhannom@... nói rằng chị đang ở London (Anh) nhưng bị mất hết đồ, ví tiền nên cần sự giúp đỡ để có tiền mua vé máy bay về nước. Tức tốc, chị Lan vào email của mình thì mới biết rằng: Mật khẩu đã bị đánh cắp. Chị Lan cũng rất lo ngại uy tín bị ảnh hưởng nếu nội dung chat không lành mạnh vẫn cứ tái diễn.
Giữa tháng 6 vừa qua, nhiều phóng viên của một số tờ báo tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị mất mật khẩu Yahoo hoặc một số người cùng một cơ quan ở Hà Nội bị hack Y!M, chat với những nick trong list, kể lể hoàn cảnh như bị mất điện thoại hoặc đang ở xa, nhờ mua và gửi mã thẻ điện thoại cho số 0168 696 4414 và một loạt các số khác. Cả tin, nhiều người tưởng bạn mình gặp khó khăn đã sẵn sàng mua thẻ và đã "dâng" tiền triệu cho những tên lừa đảo.
Thủ thuật lấy nick
Theo Giám đốc Bkis R&D an ninh mạng Vũ Ngọc Sơn, đối tượng xấu dùng rất nhiều cách để trộm nick, chẳng hạn như gửi một đường link (đường dẫn) kèm theo phần mềm gián điệp, rồi gửi đến một địa chỉ email, người dùng email nếu bấm vào link đó sẽ bị mất mật khẩu; gửi một thông báo với nội dung như: "Phải đăng nhập địa chỉ này mới chuyển được "nhà"" (sau sự việc Yahoo! 360 đóng cửa). Nếu thực hiện theo, mật khẩu sẽ bị mất cắp.
Anh Sơn cho biết thêm cách tiếp theo là đối tượng cài virus và phát tán qua USB hoặc gửi một phần mềm mời chào nghe nhạc, xem phim. Người sử dụng tải xuống sẽ bị mất nick Y!M hoặc nick game online. Sau khi lấy xong thì đổi mật khẩu. Trường hợp không đổi mật khẩu, nickname đó vẫn được sử dụng song song nhưng dễ bị chủ nhân phát hiện.
Theo Bkis, đây là tội phạm nguy hiểm, về lâu dài không thể lường trước được hậu quả vì thông tin cá nhân của nhiều người bị lộ. Những tên trộm công nghệ đang có trong tay các địa chỉ email gửi đi, email chuyển đến của nhiều cá nhân, tổ chức khác.
Phó Giám đốc VTC Game Hoàng Trọng Hiếu cho hay ngay trong trò chơi game online, kẻ lừa đảo còn lấy mật khẩu bằng cách tuyên truyền có thể giúp người chơi game hack (xâm nhập) được Vcoin (đơn vị tiền tệ sử dụng trong game online) của nhà cung cấp VTC. Bằng việc đưa ra trang web, sau đó dụ người chơi điền mật khẩu đồng nghĩa với việc bị lộ nick game online.
Trước tình hình này, VTC đã cảnh báo không có chuyện hack Vcoin và trong quá trình chơi, các game thủ không được quy đổi ra tiền thật. Theo ông Hiếu, nếu quy đổi những món đồ trong trò chơi ra tiền thật thì có thể lên tới giá trị hàng trăm triệu đồng.